Bánh trung thu tại một số quốc gia Bánh trung thu

Trung Quốc

Bánh nướng tại một cửa hiệu người Hoa ở Chinatown, San Francisco

Trong phong tục của người Trung Quốc, tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên, thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp. Chính bởi vậy bánh trung thu của Trung Quốc theo truyền thống thường có hình tròn, tượng trưng cho "đoàn viên" và ý nghĩa này bắt nguồn từ đời nhà Minh. Bánh thường mang tên "bánh trăng", "bánh mặt trăng" (月餅 "nguyệt bính", Yuebing)[2] Bề mặt bánh thường in các chữ ngụ ý tốt lành. Ngày nay, bánh trung thu có nhiều hình dạng hơn, bao gồm cả hình vuông, hình các con giống, và được làm bằng nhiều nguyên liệu mới lạ, thậm chí chia thành nhiều kiểu loại đặc trưng Quảng Đông, Tô Châu hay Bắc Kinh. Trong văn học Trung Quốc, có một loại bánh trung thu được nêu trong tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long, truyện về Sở Lưu Hương là bánh trung thu "Hằng Nga hận" do tiệm bánh Tam Nhật Khai sản xuất, nổi danh giang hồ.

Ngoài ra, người Triều Châu còn có món bánh hoa sen ngàn lớp được ăn vào dịp Trung thu (giản thể: 莲花酥月饼; phồn thể: 蓮花酥月餅; bính âm: Liánhuā sū yuèbǐng; Hán Việt: liên hoa tô nguyệt bính). Bánh thuộc dòng bánh trung thu chiên ngàn lớp, không dùng phương pháp nướng và nguyên liệu gồm bột mì, đường, sữa, mỡ trừu và đậu đỏ hay hạt sen nhuyễn.

Đài Loan

Tại Đài Loan những chiếc bánh trung thu truyền thống sử dụng nhân làm từ khoai lang. Ngày nay khi văn hóa du nhập phát triển, có thêm nhiều vị mới như kem, trà xanh, sôcôla.[3]

Nhật Bản

Bánh Tsukimi dango (bên trái) cạnh bình cỏ susuki (chính giữa) và một đĩa hạt dẻ (bên phải)

Nhật Bản bánh trung thu được bán quanh năm, ngoài bánh dày mochi thì loại bánh hay được sử dụng trong lễ tết trung thu của người Nhật là Tsukimi dango (nghĩa đen là bánh trôi trông trăng), nặn hình tròn, màu trắng, được bày theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ.

Người Nhật dần biết tới bánh nướng của Trung Hoa và cộng đồng người Hoa ở khu phố Tàu thuộc Yokohama có bánh nướng nhân đậu đỏ nhuyễn (azuki) ăn trong dịp Trung thu. Người Nhật không có thói quen ăn trứng muối nên bánh nướng kiểu Hoa ở Yokohama cũng không chứa trứng muối bên trong. Tên tiếng Nhật để gọi cho bánh nướng Trung thu là geppei (月餅).

Hàn Quốc

Songpyeon - bánh dày bán nguyệt của Triều Tiên ăn trong dịp Trung thu

Người Hàn Quốc có hai loại bánh đặc biệt là songpyeon, tức bánh dày hình bán nguyệt và chapssaltteok. Songpyeon và chapssaltteok được dùng cho ngày Tết Chuseok (tết Trung thu hay lễ Tạ ơn), cách làm giống với mochi của Nhật Bản.

Việt Nam

Bánh dẻo, bánh nướngbánh pía trong một tiệm bánh Việt Nam tại Mỹ

Việt Nam, bánh trung thu bao gồm hai loại: bánh nướngbánh dẻo. Bánh theo truyền thống thường có nhân đậu xanh (hay hạt sen) hoặc nhân thập cẩm (với jambon, lạp xưởng, lá chanh, mứt bí, mỡ đường v.v.). Các hộp bánh thường bao gồm cả hai loại bánh nướng, bánh dẻo, và trong dịp phá cỗ trông trăng đêm trung thu, hai loại bánh được mang ra ăn cùng nhau, bên cạnh các đồ ăn khác như cốm (và chuối tiêu, trứng cuốc), hồng, bưởi.

Việt Nam cũng có loại bánh trung thu rau câu, còn được gọi là bánh trung thu tươi, có công dụng và hình dáng như bánh trung thu truyền thống nhưng được làm từ rau câu (thạch sương sa). Nhân bánh như bánh trung thu nướng nhưng mềm hơn, đa dạng hơn và được làm chín trước khi cho vào bánh. Nhân bánh thường là những loại nhân mềm, dễ kết hợp với độ mềm và giòn của rau câu như bánh flan (caramel), nhân đậu xanh đánh, thạch sữa. Loại bánh này thường không có chất bảo quản vì vậy nó chỉ dùng được trong thời gian ngắn.[4]

Philippines

Philippines, một kiểu bánh trung thu được biết đến là hopia. Đây là loại bánh nướng đơn giản, không nhiều màu sắc hay hoa văn cầu kỳ nhưng phần nhân rất phong phú, hấp dẫn, thông thường có chứa đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ, thịt lợn, khoai lang tím, hoặc thậm chí sầu riêng. Phần bột ngoài của bánh xếp lớp, ăn hơi giòn.

Singapore

Tại Singapore bánh trung thu trông bề ngoài khá giống bánh trung thu Việt Nam nhưng hương vị thì khá khác biệt. Bánh được biến tấu đẹp mắt và ngon miệng hơn, phù hợp với thị hiếu nhiều người với nhiều loại bánh lạ như bánh dẻo nhân trà xanh hay bánh nướng nhân bí đỏ, đặc biệt là bánh nhân sầu riêng[5]. Màu sắc của bánh được phối phù hợp với loại nhân bên trong, rất hấp dẫn và bắt mắt.

Malaysia

Bánh trung thu tại Malaysia đặt sự sáng tạo trong việc làm bánh lên hàng đầu. Ngoài bánh truyền thống ở đây còn có bánh với hình dạng khác nhau như bánh hình sò biển, bông hoa, ngôi sao, và đặc biệt có rất nhiều màu.[6]

Thái Lan

Ở Thái Lan bánh trung thu với nhân sầu riêng và 1-2 lòng đỏ trứng muối được ưa chuộng nhất.